Hàng chục năm trước, người dân Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) đã âm thầm thổi “hương và hồn” cho cây dó trầm (hay còn gọi là cây dó bầu) để tạo nên những tác phẩm độc đáo được thị trường ưa chuộng, khởi nguồn cho một dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vùng đất này.

 

Ditimthuonghieu_1

 

Về lại làng Trung Phước hôm nay, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh đục đẽo, chạm khắc những cây dó trầm để tạo những tác phẩm rất độc đáo, để rồi từ đây những sản phẩm này được đem tiêu thụ tại thị trường TP HCM, Hà Nội và cả Trung Quốc.

Là một trong những ông chủ sớm nhất của làng nghề hiếm hoi này, ông Trương Văn Mẫn năm nay đã 53 tuổi (thôn Trung Phước, xã Quế Trung) cho biết: “Cũng như người dân ở các huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam, khi xưa người dân ở đây cũng băng rừng lội núi ngậm ngải tìm trầm, nhưng rừng ngày càng cạn kiệt, người đi trầm ngày một nhiều nhưng có khi đi cả tháng trời trong rừng cũng không đủ chi phí, hơn nữa khi nhà nước có lệnh đóng cửa rừng nên đa số người dân mày mò học cái nghề để kiếm cơm sống qua ngày”.

 

Ditimthuonghieu_2

 

Từ đó nghề chạm khắc gỗ, đặc biệt là chạm khắc trên cây dó trầm bắt đầu phát triển ở địa phương và thịnh hành cho đến ngày nay. Hiện tại ông Mẫn là đã giám đốc công ty TNHH trầm hương Nông Sơn. Ông Mẫn cho biết, trước đây chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ nhưng khi bán hàng ra các thị trường lớn và nước ngoài rất khó, đòi hỏi thủ tục chứng từ nên ông đã thành lập công ty để việc kinh doanh được thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Bộ – Chủ một cơ sở sản xuất dó trầm, người đã có hơn 20 năm trong nghề tâm sự: “Trước đây cuộc sống của người dân trong làng chủ yếu phụ thuộc vào “rừng rú” với đủ thứ nghề như đốt than, bứt mây, đốn gỗ… nên cuộc sống không khá được. Sau này, mọi người bàn nhau kiếm một cái nghề để ổn định cuộc sống và truyền lại cho con cháu đời sau. Lúc đó những người thợ từ Phú Khánh ra khai thác trầm hương, họ sẵn có nghề thủ công mỹ nghệ này nên người dân trong làng học lại. Từ đó người dân ở đây được truyền nghề và phát triển cho đến ngày nay”.

 

Ditimthuonghieu_3

 

Sau khi Nhà nước đóng cửa rừng, việc khai thác cây dó trầm trong rừng khó khăn, người dân lại nghĩ đến việc ươm tạo và trồng cây dó trầm trong vườn nhà. Từ đó, sản phẩm từ cây dó trầm được sản xuất quanh năm.

Theo ông Bộ, để có thể sản xuất được mặt hàng thủ công mỹ nghệ như các tượng phật, hình nhũ đá, đồ trang trí… cây dó trầm phải có độ tuổi từ 7 đến 10 năm mới có thể khai thác. Ở độ tuổi trên, người ta tạo trầm cho cây dó bằng cách khoan vào thân cây hàng chục mũi khoan để tạo thương tích, tại các lỗ khoan này trầm có vết thâm đen và tụ dầu. Nếu không thân cây dó sẽ trắng bạch và không có dầu, do đó sản phẩm sẽ không có giá trị. Sau khoảng thời gian từ 15 đến 20 tháng, cây dó được khai thác để tạo nên các tác phẩm thủ công mỹ nghệ và đem ra thị trường.

 

Ditimthuonghieu_6

 

Để tạo ra một sản phẩm từ cây dó trầm cũng không đơn giản. Ngoài thời gian sinh trưởng cho cây khá dài, sau đó là thời gian tạo trầm cho cây dó và công đoạn tạo hình cũng tốn một thời gian với công sức khá nhiều và tỉ mỉ mới có được một sản phẩm. Một nghệ nhân trong làng cho biết, để tạo ra được một sản phẩm mỹ nghệ từ cây dó phải trải qua 4 công đoạn. Đầu tiên là đục tỉa gốc cây dó, sau đó là cấy ghép và thiết kế, rồi xử lý tạo dáng và cuối cùng là hoàn thiện hình dáng sản phẩm theo yêu cầu của người sử dụng.

 

Ditimthuonghieu_3

 

Ngày nay, do thị trường phát triển nên gốc dó trầm cũng ít dần. Nhiều người từ làng Trung Phước này muốn có gốc dó trầm đẹp phải lặn lội đến tận các vùng khác như Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My…

Ông Bộ cho biết một gốc dó đẹp vừa người ôm hiện nay có giá khoảng 10 triệu đồng, sau khoảng hơn một tháng đục, đẽo, tỉa… sản phẩm có giá từ vài chục triệu trở lên. Mẫu mã do những người thợ tự nghĩ ra và thiết kế, rất đa dạng nào là Phật bà Quan âm, Thần tài Thổ địa, các phong cảnh thiên thiên, trụ thạch nhũ dùng trang trí…

Anh Lê Tiến Minh, người thợ đã có thâm niên 7 năm trong nghề cho hay: “Công việc này không phải dãi nắng dầm mưa, không nặng nhọc, không ràng buột về thời gian nhưng phải đảm bảo tiến độ giao hàng. Khách yêu cầu hàng giao ngày nào bằng mọi cách phải giao cho đúng ngày để giữ uy tín và quan trọng là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, thu nhập mỗi thợ lành nghề cũng được trên 3 triệu mỗi tháng”.

 

Ditimthuonghieu_7

 

Đối với một vùng quê nghèo như xã Quế Trung thu nhập như thế là cả một mơ ước với nhiều người. Tuy nhiên đây là một nghề đòi hỏi lòng say mê, tính tỉ mỉ và cẩn thận, đồng thời phải có tay nghề cao. Từ một vài hộ sản xuất ban đầu, đến nay toàn vùng đã có trên 20 hộ sản xuất hàng mỹ nghệ từ cây dó trầm với gần 200 lao động. Bằng sự khéo léo của đôi tay, những nghệ nhân ở đây đã bắt đầu tạo nên một làng nghề với tiếng đồn vang xa.

Để tạo chỗ đứng bền vững cho làng nghề, bên cạnh việc tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp giúp cho sản phẩm của làng nghề vươn ra xuất hiện ở những thành phố lớn và nâng cao giá trị kinh tế, huyện Nông Sơn đang xây dựng thương hiệu cho làng nghề và xem đây là mục tiêu quan trọng tạo nên cú hích cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *