Theo số liệu của Đài Loan – nơi nhập khẩu trầm hương nhiều nhất thế giới hiện nay – năm 1993, lãnh thổ này nhập của Việt Nam 20 tấn trầm hương, năm 1994 là 85 tấn, đến năm 1995 là 103 tấn và năm 1998 đạt tới 137 tấn…
Còn theo Thời báo kinh tế Sài Gòn số ra ngày 4/11/2004: từ năm 1991 trở về trước, mỗi năm Việt Nam xuất 10 – 15 triệu USD trầm hương đến một số nước và vùng lãnh thổ…
Điều đó cho thấy trầm hương là hương liệu, dược liệu quý. Và ngày nay, khi mà nguồn trầm hương trong tự nhiên khai thác gần cạn kiệt, con người ta đã biết cách tạo ra trầm qua việc tác động vào cây dó trầm (dó bầu).
Trong đời sống của người Việt và một số nước Đông Nam Á, cây dó (có nơi gọi là gió) không phải là giống cây lạ. Người ta thường gặp dó trong rừng nguyên sinh, thứ sinh của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia…
Cây dó có tên khoa học là Aquilaria erassna pierre. Đây là cây gỗ lớn, tán thưa, thân thẳng, cao từ 15 – 18m, đường kính trung bình ngang ngực, từ 35 – 40cm. Tại Việt Nam, dó phân bố từ các tỉnh phía Bắc vào đến miền Trung, nhưng nhiều nhất vẫn là miền Trung.
Tỉnh thứ 23 trồng dó trầm
Do có thể tạo nên trầm hương nhân tạo bằng việc tác động vào cây dó, khoảng hơn chục năm trước tại nhiều tỉnh, người dân đã chủ động trồng dó trầm, xem đây là hướng làm giàu. Nhiều nhất là các tỉnh: Quảng Nam, Bình Phước, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, An Giang, Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Trị. Còn tại Bình Thuận đến năm 2001, người dân Tánh Linh mới bắt đầu trồng dó trầm. Bà con quen gọi là dó bầu.
Bình Thuận sau đó trở thành tỉnh thứ 23/64 tỉnh thành phố trồng cây dó trầm. Theo ước tính của Hội Trầm hương Việt Nam, đến nay diện tích dó toàn quốc khoảng 25.000 ha, trong đó khoảng 8.000 ha từ 7 – 10 tuổi, có thể tác động vào cây, sau đó cấy hóa chất để tạo trầm. Hội Trầm hương Việt Nam đang vận động nông dân các nơi trồng dó trầm, phấn đấu đến năm 2010 đạt khoảng 30.000 ha dó.
Dó không phải là loại cây khó trồng. Dó thích hợp với đất đồi rừng miền Trung, miền Bắc. Cây dó khi được 10 tuổi thường cho trái và rụng hạt, mọc thành cây con. Vì vậy, không ít nơi ở miền Trung, người ta thường bắt gặp những cánh rừng tập trung cây dó. Tại Tánh Linh, dó trầm mọc nhiều ở núi Ông, núi Chì… Không ít nông dân đã bứng cả bầu dó con đem về nhà trồng.
Từ năm 1997 đến nay, được coi là thời kỳ phát triển mạnh diện tích dó trên toàn quốc. Bởi sau “sự kiện” những người nông dân Quảng Nam tác động vào cây dó, tạo được trầm loại 4, loại 5, nhiều người tin rằng sẽ mở ra một triển vọng về tạo trầm hương nhân tạo. Để trồng dó, người ta đào lỗ trước mùa mưa, sau đó bứng cây con từ rừng về, hoặc đưa cây dó gieo ươm vào trồng. Quy cách thường là 1.200 cây/ha. Thảng hoặc có nơi trồng dày, khoảng 1.500 cây/ha. Nếu dó ươm bằng hạt từ 6 – 7 tháng tuổi, có thể trồng được ngoài đất, nhưng phải thường xuyên trông nom cây, tránh bị cháy nắng. Dó thích hợp với phân bò, và một số loại phân bón cây, bón lá khác. Những người trồng dó cho biết: trong 4 năm đầu, suất đầu tư cho mỗi ha dó khoảng 20 triệu đồng/năm.
Từ năm thứ 5 trở đi, suất đầu tư giảm dần. Tổng suất đầu tư đến khi cây dó 10 tuổi, tạo được trầm khoảng 270 triệu đồng (bao gồm phân, hóa chất kích thích), nhưng nếu được nhiều trầm, chất lượng khá, có thể thu từ 2 – 3 tỷ đồng/ha.
Cây dó trầm Tánh Linh
Như đã nói trên, cây dó xuất hiện ở Tánh Linh từ năm 2001 khi mà một nông dân vùng Tà Pứa, xã Đức Phú quyết tâm làm giàu từ cây dó và cây quế.
Quế được lấy từ huyện Trà Mi, còn dó được lấy từ vùng Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam, nơi có nghề đi trầm khá phát triển, từng nổi đình nổi đám với chuyện một tốp thợ rừng tìm được kỳ nam tại rừng già Kon Tum cách đây vài năm. Được báo chí đăng tải khá nhiều kỳ.
Chính những người buôn bán trầm ở Tánh Linh cho hay : hiện nay ở mạn Phương Lâm, Đắc Nông, Đắc Lắc…. vẫn còn trầm, nhưng rất ít trầm loại 1. Phần lớn là trầm loại 3, loại 5. Riêng trên núi Ông (Tánh Linh) lâu lâu, một hai người đi rừng cũng tìm thấy trầm nhưng lượng không nhiều. Về đến Tánh Linh, trầm được bí mật mang ngược ra Khánh Hòa, tới huyện Núi Thành (Quảng Nam), trước khi các cơ sở thu mua đóng kiện xuất khẩu. Nghề tìm trầm lắm công phu bởi trong tự nhiên trầm xuất hiện không nhiều và khi tìm thấy rồi để lấy được trầm, người thợ còn phải dùng đục nhỏ sủi hàng giờ bóc lấy đi lớp cây phủ trên bề mặt (chuyên môn gọi là sủi dác).
Sau khi có trầm, ngoài việc dùng mắt còn phải kết hợp kinh nghiệm để phân loại chính xác, bởi từ loại 1 đến loại 3, là khoản tiền không nhỏ.
Những người buôn trầm đã cung cấp cho tôi thông tin: hiện nay tại Tánh Linh, rải rác trong dân khoảng 200ha cây dó trầm đã hợp đồng tác động cấy hóa chất tạo trầm với Công ty Nguồn Trầm Hương. Nếu phát triển mạnh hơn nữa thì ngoài việc tạo trầm Tánh Linh có thể hình thành nên nghề chưng cất tinh dầu trầm. Giá một lít tinh dầu trầm trên thị trường thế giới hiện nay từ 11.000 – 13.000 USD.
Một ha cây dó từ 7 – 9 tuổi, nếu không cấy hóa chất, có thể chặt, cưa nhỏ thành dăm, để chưng cất tinh dầu, vừa giải quyết được lao động vừa có thu nhập. Những người buôn trầm ở Tánh Linh không nói rõ phương pháp chưng cất tinh dầu, nhưng sau đó, từ thông tin của Viện Công nghệ hóa học Việt Nam, tôi biết đó là phương pháp “CO2 lỏng siêu tới hạn”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu phương pháp cất này cho biết: Phương pháp “CO2 siêu tới hạn” đang được nhiều lò chưng cất tinh dầu trầm ở huyện Núi Thành áp dụng”…