Không ít bà con Việt Kiều tại Lào được xếp hạng “đại gia”. Ở chợ Sáng – trung tâm thương mại của thủ đô Viên-Chăn, gần một nữa quầy hàng là của những chủ nhân gốc Việt. Nhưng ấn tượng nhất không phải là họ mà là những “tỉ phú môi trường”, một trong số đó là anh Thoong Philavong, vốn là công nhân nhà máy Dệt Nam Định, sang Lào lập nghiệp chỉ bằng nghề cắt tóc.

Thế mà nay anh đã là chủ nhân của một trang trại trồng Dó Bầu có người trả giá 35 triệu USD…Một người khác hiện đang làm thuê nhưng sẽ trở thành…tỉ phú.

 

Từ thợ cắt tóc trở thành tỉ phú

Nhà của Thoong ở trung tâm thủ đô Viên-Chăn, trên một trục đường lớn, diện tích “chỉ“ hơn 1000m 2. Ngoài nhà chính, phòng làm việc, tiếp khách, phía sau có hệ thống nhà khách được trang bị như khách sạn 3 sao để “bạn bè ai đến thì ở”. Phần đất còn lại, anh xây dựng sân chơi thể thao cho gia đình và hệ thống cây cảnh chim thú để thư giãn. Anh và cô con gái đang học Đại Học Quốc Gia Lào sử dụng hai chiếc Landcruiser, cậu con trai 18 tuổi sở hữu một chiếc xe 4 chỗ ngồi. Riêng khu nhà ở có đến 8 người phục vụ, trông nom cây cảnh chim, thú, cá và “làm việc lặt vặt”, họ toàn là “con cháu từ quê sang”.

Ở thủ đô Viên-Chăn và cả tỉnh Viên-Chăn kế cạnh, không ai không biết Thoong “Dó Bầu”, bởi anh là người tiên phong trong việc nhận đất trồng rừng và hiện là chủ sở hữu của một trang trại 2.200 ha với 160.000 cây Dó Bầu, trong đó có 30.000 cây đã bắt đầu cho trầm hương. Khi chúng tôi có mặt ở Viên-Chăn có hai công ty nước ngoài trả giá 35 triệu USD nhưng anh chưa bán, anh bảo, nếu được 45 triệu USD anh sẽ bán và dùng vốn đó mua lại tất cả trang trại nhỏ lẻ trong khu vực để đầu tư phát triển lên. Phần còn lại, anh ước mơ tài trợ cho một đội bóng đá Việt Nam – niềm đam mê của anh.

 

Thoungvillay_2

 

Thực ra, tài sản của Thoong Philavong không chỉ có chừng đó, anh còn là Giám Đốc Công Ty Agarwood Growing Projet. Công ty anh bây giờ đã nổi tiếng, nhưng ít ngưới biết anh bắt đầu lập nghiệp ở Lào bằng nghề cắt tóc.

Anh Diễn lúc ấy là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, thời bao cấp khó khăn, công nhân bị giảm biên chế nhiều, Diễn sang Lào để mưu sinh bằng đủ thứ nghề nhưng bất thành. Sau, anh chuyển sang nghề cắt tóc. Nhờ hoạt khẩu, khách của anh rất đông và hầu hết là quan chức từng học ở Việt Nam. Sau đó tiếng dần, anh trở thành người cắt tóc thường xuyên cho các quan chức chính phủ. Bây giờ anh vẫn tự hào là người cắt tóc cho hai đời chủ tịch nước bạn. Có chút vốn liếng, anh chuyển sang nghề kinh doanh bất động sản.

Thế rồi, để tính kế dài hơi, anh quyết định đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng. Bấy giờ, ai cũng bảo nước bạn rừng nhiều, khai thác gỗ không xuể sao anh lại tính chuyện trồng rừng, có mà điên? Nhưng anh đã tính rất kỹ …Việc làm của anh được chính phủ ủng hộ. Anh thống kê, đến nay đã có 270 đoàn đến thăm mô hình trang trại của anh.

Trong khu vực trang trại, có một bản 56 hộ, 350 khẩu, anh cung cấp cho mỗi khẩu 15 kg gạo, 150.000 đến 200.000 kíp (tương đương 300.000 đ VN)/tháng; cho mỗi hộ 5 con gà nhưng chỉ được lấy trứng hoặc ấp trứng thành con nhân lên, còn phải giữ cho anh lúc nào cũng có 5 con gà đẻ, đào giếng lấy nước ngọt cho họ. Mỗi gia đình trong bản nhận bảo vệ chăm sóc 5 ha. Cứ đúng 5 năm, anh xây cho họ một căn nhà. Ngoài hợp đồng công việc theo thời vụ (chủ yếu với các đơn vị quân đội nước bạn), anh ký hợp đồng với người lao động Việt Nam, lúc cao điểm 70 người, thường xuyên làm việc cho trang trại. Tính ra, đến nay anh đã đầu tư vào khu trang trại này 3,6 triệu USD (36 tỉ kíp tiền Lào). Nếu bán với giá 40 triệu USD tức được 400 tỉ kíp (tương đương 600 tỷ đồng VN).

 

Thoungvillay_3

 

Kế hoạch bán trang trại được anh tính toán như sau:
Dùng tiền mua lại trang trại nhỏ lẻ rồi giao cho chính chủ của nó quản lý, sản phẩm bán được anh cho họ hưởng 20%. Số tiền còn lại, anh đầu tư cho các hộ có nhiều đất để trồng rừng rồi chia theo tỷ lệ 50-50. Đây là một kế hoạch táo bạo mà các quan chức địa phương cho rằng anh sẽ thành công vì người dân Lào sở hữu nhiều đất nhưng lại thiếu vốn và chưa có phương pháp làm ăn.

Diễn – Thoong Philavong chỉ là một trong nhiều người Việt đầu tư kinh doanh thành công tại Lào. Điều cơ bản nhất, chính anh là người tiên phong trong việc trồng rừng, bảo vệ môi trường, vì thế, trang trại của anh trở thành một mô hình được chính phủ Lào chọn làm điển hình để giới thiệu cho mọi người học tập. Còn chúng ta cũng học được ở anh tính kiên trì vượt khó và khả năng nhìn nhận để quyết định đầu tư kinh doanh bền vững và đúng hướng.

Người làm thuê sắp trở thành tỉ phú

Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Trung ương Đoàn Thanh Niên nhân dân cách mạng Lào, Phó chủ tịch Hiệp Hội Vật Liệu Xây Dựng, thành viên ban lãnh đạo Phòng Thương mại – Công nghiệp, thành viên ban lãnh đạo Hội Văn Hóa truyền thống Lào, tỉ phú Phisitn Sayathinh, trong câu chuyện với chúng tôi luôn nhắc đến một người Việt Nam mà anh gọi là “cánh tay phải” của mình. Trong buổi thăm trang trai của anh ở tỉnh Viên-Chăn, anh đã gọi người này đến cùng tiếp. Ông tên là Hoa, quê ở Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị.

 

Thoungvillay_4

 

Thực ra, Phisitn điều hành một tập đoàn có đến 20 công ty. Anh Hoa thoạt đầu chỉ là thợ xây theo kiểu “ai thuê đâu làm đó”, sau trở thành công nhân trong nhà máy sản xuất thép – một cơ sở của Phisitn. Thấy đất nước Lào đất rộng, người thưa, có nhiều khoảnh đất nếu biến thành trang trại sẽ rất tuyệt vời. Ông Hoa mạnh dạn nêu ý tưởng của mình với ông chủ. Là người nhìn xa trông rộng và làm việc không biết mệt mỏi, Phisitn đồng ý và biến ý t ưở ng của ông Hoa thành hiện thực. Trung thực, chăm chỉ và có một số vốn kiến thức trồng rừng khá, Hoa trở thành người điều hành và giám sát các dự án trồng rừng cho Phisitn.

Hằng ngày, anh bám bản, thuê người phát đất trồng rừng. Để cho đủ giống Dó Bầu và gỗ tếch, anh Hoa đề nghị ông chủ cho người khác lấy đất mình ươm giống. Giống của ông ươm cùng giống mua của người khác ươm trên đất mình mới kịp cho tốc độ phát triển trang trại của ông chủ. Ông Hoa còn giúp ông chủ tổ chức đắp đập làm hồ nuôi cá, ba ba, làm thủy điện nhỏ và các công trình phúc lợi cho nhân dân các bản trong vùng trồng rừng. Làm đến đâu thành công đến đấy. Phisitn tâm sự: “Nhờ ông Hoa mà tôi chuyển sang kinh doanh trang trại, từ các trang trại sẽ làm du lịch, đây sẽ là một nguồn thu cực lớn trong vài năm tới”.

Từ một công nhân tự sang Lào tìm đường mưu sinh, cuộc sống vất vả, hiện anh Hoa đã đưa cả gia đình từ Vĩnh Linh sang nhập quốc tịch Lào. Hai con trai của anh đang học ngoại ngữ và kinh doanh để chuẩn bị tiếp quản cơ ngơi từ tay bố. Cơ ngơi từ đâu mà có? Tỉ Phú Phisitn cho biết, ngoài tiền lương hậu hĩnh được nhận, anh Hoa còn được chia theo tỷ lệ phần trăm diện tích trang trại mà anh phát triển được, Phisitn khẳng định: “5 năm nữa, ông Hoa sẽ là tỉ phú của Lào”. Bây giờ, ông Hoa đã tự lái ô tô đi trông coi công việc ở các trang trại giúp ông chủ.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *