Theo các cụ cao niên ở Vạn Giã, mà ngày nay có con cháu nối đời theo nghề đi địu (nghề khai thác trầm kỳ), cho biết nơi phát tích nghề đi địu là từ thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, huyện Ninh Hòa, rồi sau mới lan dần ra huyện Vạn Ninh. Còn trước nữa, nghĩa là người huyện Tân Định (Ninh Hòa) học nghề này từ đâu, thì việc ấy không ai biết một cách tường tận.

Trong nguồn tài nguyên rừng, trầm hương và kỳ nam (gọi tắt là trầm kỳ) là hai loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế lớn nhất. Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó bầu mọc hoang trong những cánh rừng già Trung bộ. Cây dó có 2 loại: dó bầu (tên khoa học là Aquilaria agallocha) và dó gạch hay còn gọi là dó niệt (Aquilaria malaccensis). Dó gạch cũng cho trầm nhưng mùi thơm nồng, hắc, có vị tanh và giá trị thấp. Chỉ có dó bầu mới cho ta trầm tốt và kỳ nam.

 

Tramhuongdidiu

 

Về nguyên nhân tạo trầm kỳ của cây dó, có nhiều giả thuyết khác nhau. Từ thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã viết trong sách Phủ biên tạp lục :

“Hương ấy là do ở ruột cây dó kết thành. Dó có ba loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy”.

Trước đây cây dó bầu mọc nhiều ở các vùng rừng núi của tỉnh Khánh Hòa. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản của tỉnh Khánh Hoà cũng ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương”.
Trầm Khánh Hòa tập trung nhiều ở rừng núi các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, trong đó nổi tiếng nhất là vùng núi Hòn Chảo ở Tu Bông, Vạn Giã (thuộc huyện Vạn Ninh) mà danh tiếng đã đi vào ca dao : “Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, Trầm nơi Vạn Giã hương toả sơn lâm”.

 

Tramhuongdidiu_1

 

Khi được hỏi về ông tổ của nghề, các cụ lớn tuổi cho biết, nghề này không có ông tổ, cũng tương tự như các nghề đi củi, đốt than, chặt cây, đẵn gỗ, làm súc, chặt củi kèo, củi thước, gài bẫy, đi săn…

Có thể kể ra đây những lớp người tiên phong từ thời xa xưa, đó là ông Thừa Lương (con ông xã Cửu, ở Vạn Giã), kế tiếp là Bảy Lùn, Bảy Ba, ông Bớt (Nguyễn Hường), rồi đến ông Phạm Hỉnh (tên thường gọi là ông Điền) ở xã Vạn Bình, ông Giỏi, và lớp gần nhất là ông Sáu Mùi (Nguyễn Mùi). Tất cả những người ấy đều đi tìm trầm hương, kỳ nam từ thời trước 1975.
Đến những năm 80 (thế kỷ XX) ở huyện Vạn Ninh, các xã Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Hưng… và nhất là tại thị trấn Vạn Giã, số người đi núi tìm trầm hương nhiều lắm. Họ ra đến La Hai, Phước Lãnh (Phú Yên), An Khê (Bình Định), rồi Ba Tơ (Quảng Ngãi), đến tận Quế Sơn, Trung Phước, Trà My, Tác Bỏ (Quảng Nam), lặn lội vào tận rừng sâu, lên tít núi cao, hợp tác với người dân tộc tại địa phương để tìm trầm hương.

 

Tramhuongdidiu_2

 

Ở Vạn Ninh, mãi đến tận ngày hôm nay, vẫn còn nhiều người đi tìm trầm kỳ, lục lạo, đào xới các gốc cây dó màngày trước họ đã tìm gặp, với hy vọng còn sót lại chút gì. Đây là một nghề hết sức cam go, nguy hiểm, có khi còn mất cả tính mạng: sốt rét vì muỗi rừng, gặp ác thú, lạc đường, bị nước lũ cuốn trôi… Vì thế mới có chuyện “ngậm ngãi tìm trầm”, rồi hóa thành người rừng như lời kể lại của các cụ ngày xưa. Đúng là “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *